car

10 điều bạn cần biết về Mustang Mach-E

02-04-2020

#1 Bối cảnh ra đời

Cách đây hơn một thế kỷ, ông Henry Ford đã từng thiết kế cho vợ mình là bà Clara Jane Ford một chiếc ô tô điện. Nguyên nhân là để vợ ông không phải tốn sức và bẩn tay mỗi khi quay ma-ni-ven để khởi động động cơ. Bước sang thế kỷ 21, kỷ nguyên của xe điện, có thể nói Ford là một trong những hãng xe lớn nhanh nhạy với thời cuộc nhất. Tính đến nay, họ đã bán được 800.000 chiếc xe điện hoặc xe hybrid trên toàn thế giới. Có 2.100 bản quyền phát minh liên quan tới xe điện đã được công nhận và còn 3.500 bản quyền mới đang được xét duyệt. Từ nay tới năm 2022, Ford dự định đầu tư một khoản tiền khổng lồ là 11 tỷ đô la vào xe điện và xét về mặt kỹ thuật thì mẫu xe điện thành công nhất của họ hiện nay là Escape trong vai trò taxi ở thành phố New York với hàng trăm chiếc hoạt động tới 640.000 km mà chưa phải sửa chữa động cơ điện hay thay ắc quy. Trong bối cảnh các đối thủ lớn như Volkswagen liên tục giới thiệu các mẫu xe điện đủ loại khác nhau thì mới đây, Ford cũng chính thức cho ra mắt chiếc xe chạy điện đầu tiên được thiết kế từ A đến Z nghĩa là từ platform trở đi chứ không lắp động cơ điện và ắc quy lên platform của xe gắn động cơ đốt trong như trước đây.

#2 Tên gọi gây tranh cãi

Ford không thiếu các tên hay bắt đầu bằng chữ E hay chữ F để đặt cho xe nhưng để chắc ăn, họ đã chọn một trong những cái tên nổi tiếng nhất trong lịch sử của bản hãng là Mustang để đặt cho chiếc SUV chạy điện hoàn toàn mới này. Năm 1964, khi giới thiệu Mustang, ông Lee Iaccoca, một nhân vật huyền thoại trong làng ô tô thế giới và cũng là phó chủ tịch tập đoàn Ford khi đó đã chia sẻ rằng Mustang sẽ mang lại nhiều ý nghĩa cho khách hàng hơn bất cứ chiếc xe nào trong lịch sử. Ở đây ông Iaccoca muốn nhấn mạnh tính đa năng của chiếc xe. Tuy nhiên, trong hơn nửa thế kỷ qua, nhắc đến Mustang, người ta không liên tưởng tới một chiếc GT dùng để đi đường trường hay một chiếc xe nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu so với mức tiêu pha lãng phí chung của Hoa Kỳ mà nhớ ngay tới một dòng xe cơ bắp, biểu tượng của tốc độ và của cả văn hóa Mỹ. Chính vì thế, việc sử dụng tên gọi Mustang cho chiếc SUV chạy điện có lẽ đã khiến cho nhiều fan hâm mộ xe cơ bắp Hoa Kỳ mếch lòng.

3# Thiết kế gợi nhớ đến chiếc Mustang nguyên bản

Ngoài logo con ngựa gắn ở lưới tản nhiệt hay cụm đèn pha và đèn hậu đều có 3 dải đèn thì chiếc xe điện Mustang Mach-E còn có những tỷ lệ thiết kế gợi nhớ tới dòng xe nguyên bản. Nổi bật nhất là phần mũi xe dài và trụ A được đưa lùi về phía sau vì như ta đã biết, động cơ điện thường nhỏ gọn và không đòi hỏi một khoang máy lớn. Không dừng lại ở đó, nắp ca-pô còn có hai phần gồ lên, như thể đang phải tạo không gian cho một cỗ máy lớn bên dưới. Thực ra, bên dưới nắp ca-pô không có máy móc gì cả mà chỉ có một khoang hành lý phụ dung tích hơn 100 lít dành cho những món đồ ướt, lấm bùn như ủng cao su khi đi câu cá vì có thể nhấc ra để lau rửa. Từ góc nhìn ngang, ta phát hiện ra một tiểu xảo khá tinh vi của các nhà thiết kế, đó là thoạt nhìn, ai cũng nghĩ mui xe cong đều về phía sau nhưng trên thực tế, đó là một sự đánh lừa thị giác bởi phần nằm ngang ở nửa sau của mui xe được sơn màu đen. Nói cách khác, với tiểu xảo này, thiết kế của xe vừa nhẹ nhàng thanh thoát vừa không ảnh hưởng tới không gian ở hàng ghế sau trong ca-bin.



#4 Nội thất

Mustang Mach-E dài 4,7 mét, rộng 1,9 mét và cao 1,6 mét. Để dễ so sánh thì chiếc SUV chạy điện này dài hơn Escape đời 2020 vừa xuất hiện tại triển lãm ô tô Việt Nam khoảng 10 cm và ngắn hơn Everest khoảng 20 cm. Tuy nhiên, chiều rộng của xe tương đương với Everest và chiều dài cơ sở lên tới gần 3 mét do sử dụng platform mới nên có thể khẳng định rằng ca-bin cực kỳ rộng rãi cho 5 người ngồi. Chiếc xe này được trang bị công nghệ nhận diện điện thoại của chủ nhân qua Bluetooth để tự động mở cửa. Vô-lăng giống như vô-lăng xe hơi thông thường nhưng cần số được thay thế bằng một núm xoay. Khoang hành lý phía sau có sức chứa là 821 lít và nếu gấp hàng ghế sau thì thể tích này tăng lên mức gần 1,7 mét khối.

#5 Màn hình cảm ứng 15,4 inch và SYNC thế hệ mới

Điểm nổi bật nhất trong ca-bin Mustang Mach-E là màn hình cảm ứng rộng 15,4 inch, nghĩa là to như màn hình laptop thông thường. Trong thời gian gần đây, dường như các hãng xe đang ngấm ngầm chạy đua trang bị màn hình rộng bắt đầu từ màn hình 8 inch, rồi 10 inch, 12,3 inch và đến nay là 15 hoặc thậm trí là 17 inch. Ford cũng vậy nhưng màn hình cảm ứng của họ còn có thêm một nút vặn gắn bên dưới để chủ xe điều khiển nhiệt độ hay tốc độ quạt gió như nút vặn cơ thông thường cho dù đây cũng là nút vặn cảm biến và không có liên kết cơ học nào với màn hình phía sau. Giải pháp này chắc xuất phát từ các cuộc khảo sát thói quen của khách hàng mà Ford tiến hành khá kỹ lưỡng trước khi tung dòng xe điện này ra thị trường. Theo đó, khách hàng đa phần vẫn chưa quen với cách điều khiển hoàn toàn bằng màn cảm ứng. Đi kèm với màn hình này là hệ thống SYNC thế hệ mới, tự học để điều chỉnh theo thói quen của chủ xe. Và tất nhiên cũng như Tesla, toàn bộ hệ thống phần mềm trên xe sẽ tự động cập nhật thông qua mạng internet.



#6 Hệ thống ắc quy

Phần quan trọng nhất của một chiếc xe điện là ắc quy. Hệ thống ắc quy của Mustang Mach-E gồm 288 ngăn ắc quy lithium-ion cho dung lượng 75,7 kWh và khách hàng cũng có thể đặt mua loại ắc quy có 376 ngăn dung lượng 98,8 kWh, mang lại cho xe tầm hoạt động khoảng 480 km với hệ thống dẫn động bánh sau. Bộ ắc quy này được đặt trong hộp chống thấm ở dưới sàn xe, giữa hai trục bánh, vừa hạ thấp trọng tâm vừa tăng độ cứng vững cho thân xe. Mỗi chiếc xe được bán kèm theo một bộ sạc tại gia đình, mỗi tiếng nạp được một lượng điện đủ để di chuyển khoảng 50 km từ nguồn 240V. Ngoài ra còn có bộ sạc mang theo xe, mỗi tiếng nạp lượng điện đủ đi được chừng 35 km cũng từ nguồn 240V. Bên cạnh đó, Ford còn tham gia xây dựng hệ thống trạm nạp điện tốc độ cao cùng với các hãng xe lớn khác như BMW hay VW, có khả năng sạc đầy 80% ắc quy trong 38 phút.

#7 Động cơ

Mustang Mach-E tham gia thị trường với nhiều phiên bản khác nhau được trang bị động cơ điện nam châm vĩnh cửu có công suất từ 255 mã lực đến 459 mã lực và mô-men xoắn cực đại từ 415 Nm đến 816 Nm. Nhờ đó, Mustang Mach-E phiên bản GT có thể dễ dàng đánh bại một trong những chiếc SUV thể thao nhanh nhất hiện nay là Porsche Macan Turbo và thậm chí còn tăng tốc nhanh ngang ngửa với Porsche 911 GTS. Và Ford cũng không quên tham vấn các kỹ sư âm thanh ở Hollywood để tạo nên 30 loại âm thanh khác nhau tương tự như âm thanh của động cơ V8 để từ đó chọn ra một âm thanh tiêu biểu nhất cho dòng xe này.

#8 Hệ treo, tính năng vận hành

Phiên bản gắn hệ thống dẫn động 4 bánh có khả năng điều phối mô-men xoắn độc lập tới mỗi trục bánh và nhờ đó, chiếc xe đạt được tính năng vận hành rất tốt ở tốc độ cao cũng như trên đường trơn trượt. Vì được lắp ráp trên platform mới nên Mustang Mach-E cũng có một hệ treo hoàn toàn mới với 5 thanh độc lập ở trục sau. Đây cũng là lần đầu tiên, chi nhánh thể thao Ford Performance cân chỉnh hệ treo cho một chiếc xe sản xuất đại trà. Tùy theo tình hình giao thông, chủ xe có thể chọn một trong ba chế độ lái, từ tiết kiệm năng lượng tới thể thao và khi đó độ nhạy của pê-đan ga cũng như của vô-lăng sẽ được thay đổi.



#9 Hệ thống bán hàng và các đối thủ

Đối thủ lớn nhất của Mustang Mach-E hiện nay chính là Jaguar i-Pace. So với dòng xe này, Mustang Mach-E có giá bán rẻ hơn hẳn vì phiên bản dẫn động bánh sau gắn bộ ắc quy 75,7 kWh có giá bán khởi điểm tại Mỹ là 45.000 USD trong khi đó giá bán của i-Pace tại Mỹ là hơn 70.000 USD. Ngoài i-Pace, dòng SUV chạy điện mới của Ford còn gặp phải một đối thủ đáng gờm nữa là Tesla Model Y trong tương lai gần. Hiện tại, Ford đã nhận cọc 500 USD cho xe và khách hàng có thể lựa chọn 12 mức trang bị với động cơ, hệ thống dẫn động và ắc quy khác nhau. Giống như Tesla, Ford sẽ bán dòng xe này qua mạng, nghĩa là các đại lý chỉ có trách nhiệm bàn giao xe cho khách. Nếu không có gì thay đổi, những chiếc xe đầu tiên sẽ xuất xưởng vào năm 2021 và hiển nhiên điều đó phụ thuộc rát nhiều vào công ty hóa chất LG Chem vì họ là đơn vị cung cấp ắc quy.

#10 Tổng kết

Ford đặt rất nhiều hy vọng vào dòng xe chạy điện đầu tiên của họ và điều đó hoàn toàn có cơ sở bởi Mustang Mach-E có rất nhiều lợi thế: thứ nhất là có giá bán tốt, thứ hai là mang kiểu dáng SUV đang mốt hiện nay, thứ ba là thừa hưởng những công nghệ hiện đại của một hãng xe truyền thống và thứ tư - quan trọng nhất - đó là khâu tổ chức sản xuất chắc chắn sẽ tốt hơn nhiều so với Tesla trong thời kỳ đầu. Tới đây, rồi dần dần thế hệ khách hàng trẻ cũng sẽ quên những chiếc xe cơ bắp gắn động cơ V8 biểu tượng của văn hóa xe Hoa Kỳ một thưở và khi nhắc đến Mustang là nghĩ ngay tới một chiếc SUV có thiết kế đẹp, đa năng và có thể đánh bại cả 911 trong các cuộc đua giữa hai đèn đỏ trên đường phố. Và đó cũng chính là những gì ông Lee Iaccoca, cha đẻ của dòng Mustang năm nào, từng mong muốn về đứa con tinh thần của mình.

Bài viết liên quan